Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng… thế giới đang hình thành xu hướng mới có tính đột phá về tự động hóa trong sản xuất và chế tạo được gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp này là sự hợp nhất về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể.

APEC 2017 còn có sự tham gia của các công ty, tập đoàn công nghệ toàn cầu đóng vai trò chủ chốt, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới như Facebook, Microsoft, Uber

 

Theo đánh giá của giáo sư Klau Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những tác động to lớn và làm thay đổi mạnh bộ mặt kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ: toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia.

Đối với Việt Nam, làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dường như lại dễ dàng hơn so với trước đây. Bởi Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là nền tảng cho cuộc cách mạng lần này, đó là có cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương); tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới…

 

Xác định đây là cơ hội quý giá và phù hợp với chủ trương phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, Việt Nam đang sử dụng đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi phục vụ phát triển công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp được tập trung đẩy mạnh đó là tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương, trong đó Diễn đàn APEC và các cơ chế hợp tác khác ở châu Á - Thái Bình Dương là định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung”. Trong khuôn khổ Diễn đàn APEC 2017 khoảng 200 hoạt động sẽ được tổ chức với sự tham gia của các nhà Lãnh đạo đến từ 20 nền kinh tế thành viên cùng hàng chục nghìn lượt đại biểu, đại diện các tập đoàn và các cơ quan truyền thông lớn của khu vực và quốc tế. Đáng chú ý, có sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia đứng đầu thế giới về trình độ phát triển khoa học công nghệ như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Bên cạnh đó, APEC 2017 còn có sự tham gia của các công ty, tập đoàn công nghệ toàn cầu đóng vai trò chủ chốt, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới như Facebook, Microsoft, Uber…

Đây chính là dịp để Việt Nam giới thiệu với cộng đồng thế giới về chủ trương, chiến lược quốc gia về phát triển khoa học công nghệ nói chung và phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói riêng. Đồng thời là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tương tác, tìm hiểu và trao đổi cơ hội hợp tác với các tổ chức, công ty, tập đoàn nước ngoài, qua đó tiếp thu những thành tựu và tiến tới làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới.

Các hội nghị trong khuôn khổ năm APEC 2017 tại Việt Nam hứa hẹn đem lại những kết quả tích cực đối với các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết, tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần “vun đắp một tương lai chung” với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong toàn khu vực và trên thế giới.

KT

Tin tức mới

Tin tức nổi bật