Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, toàn xã hội, những người làm CNTT đang đứng trước sứ mệnh rất vẻ vang nhưng đầy thách thức.

Sau 15 năm, doanh thu ngành CNTT Việt Nam đã tăng 60 lần

Hôm nay, ngày 15/4/2017, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập VINASA và công bố, trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017 cho 44 sản phẩm và 20 dịch vụ CNTT tiêu biểu Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, VINASA là một trong những hiệp hội có những đóng góp hết sức tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của CNTT nước ta và rộng ra đã góp một phần rất đáng khích lệ vào công cuộc kiến thiết đất nước.

Theo Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, quá trình xây dựng và phát triển của VINASA luôn gắp liền với lịch sử phát triển của ngành CNTT Việt Nam. VINASA được thành lập với 55 doanh nghiệp hội viên ban đầu. Khi đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có doanh thu chỉ vẻn vẹn khoảng 50 triệu USD, số lượng nhân lực khoảng 5.000 - 6.000 kỹ sư. Ngành CNTT khi đó còn chưa xuất hiện trong thống kê, báo cáo hàng năm nào tới Chính phủ.

Sau 15 năm, VINASA đã xây dựng được một bộ máy hoàn chỉnh từ Tư vấn chính sách, hỗ trợ phát triển thị trường, hợp tác quốc tế, nghiên cứu KHCN đến truyền thông, quảng bá hình ảnh, nhằm hỗ trợ một cách toàn diện nhất cho 334 doanh nghiệp hội viên. Những hoạt động của VINASA đã đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong 15 năm qua ngành CNTT Việt Nam cũng đã có sự phát triển vượt bậc, và giờ đã có trên 3 tỷ USD doanh thu, tăng 60 lần; đội ngũ lao động tăng 40 lần với trên 200.000 kỹ sư.

Đặc biệt, sau 15 năm, vị trí của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công uỷ thác phần mềm và dịch vụ CNTT, là đối tác được ưa thích số 1 và là đối tác lớn thứ 2 của các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2017 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, 2 thành phố lớn của Việt Nam được đánh giá nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới, TP.HCM đứng thứ 2, Hà Nội thứ 8 sánh cùng Sillicon Valley, Bangalore, Thượng Hải, London.

Chúc mừng và tri ân những người đã và sẽ tiếp tục tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển CNTT của nước nhà và tất cả các doanh nghiệp, các cá nhân đã có sản phẩm, dịch vụ được trao giải Sao Khuê 2017 và các năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự kỳ vọng giải Sao Khuê sẽ tiếp tục là nguồn khích lệ to lớn để tất cả các cá nhân, doanh nghiệp cùng tâm huyết và sáng tạo CNTT, đưa ra được nhiều ứng dụng được ứng dụng rộng rãi trong xã hội và vươn ra thị trường quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, toàn xã hội, những người làm CNTT và đặc biệt là đại diện của các đơn vị đã có nhiều sáng tạo, thành tích phát triển CNTT trong thời gian qua đang đứng trước sứ mệnh rất vẻ vang nhưng đầy thách thức.

Theo Phó Thủ tướng, những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tích được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về phát triển kinh tế xã hội, trong đó có một phần rất quan trọng mang tính mở đường của ngành  CNTT mà thời gian đầu là ngành viễn thông. “Bây giờ, chúng ta đang đứng trước thách thức một mặt phải phát triển bền vững nhưng mặt khác rõ ràng cũng buộc chúng ta phải đi nhanh hơn mới có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình. Để làm được việc này, buộc chúng ta phải khai thác bằng được những gì mà chúng ta tự nhận thấy và được thế giới đánh giá là Việt Nam có lợi thế. Một trong những lợi thế đó chính là trí lực của người Việt Nam liên quan đến trực tiếp lĩnh vực CNTT”, Phó Thứ tướng nêu rõ.

Không nên chỉ nói về cuộc CMCN 4.0 như là một chủ đề khoa học

Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ bàn rất nhiều lần và gần đây nhất đã bàn về những việc cần phải làm để tận dụng, phát huy lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ đã thống nhất rằng, chúng ta một mặt phải tuyên truyền để toàn xã hội biết về những thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng này nhưng mặt quan trọng hơn là phải bằng những hành động rất thiết thực, cụ thể để tận dụng thời cơ, không nên chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay là chủ đề có tính thời sự quốc tế.

 

“Để làm được điều đó, sẽ cần phải làm rất nhiều việc nhưng chắc chắn rằng chúng ta phải có một bước phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn rất nhiều 15 năm hay 20 năm trước đây về CNTT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trướng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cùng Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình chụp ảnh lưu niệm cùng Top 10 Sao Khuê 2017

Phó Thủ  tướng cho rằng, về hạ tầng, nhất thiết Việt Nam phải phát triển hạ tầng thông tin băng rộng đến tất cả mọi ngõ ngách, tương tự như 20 năm trước đây chúng ta đã quyết liệt tiên phong đi đầu để đưa thông tin di động về tận vùng núi, vùng nông thôn. Theo Phó Thủ tướng, từ những hình ảnh xúc động ban đầu về những người nông dân đi bên cạnh con trâu mà cầm điện thoại di động thì nay phải được nâng lên là thông tin băng rộng được đưa về từng ngõ ngách, từ vùng núi, hải đảo, nông thôn đến khắp mọi nơi.

“Các doanh nghiệp viễn thông đã có cam kết rất cụ thể với Chính phủ về việc này. Ngay trong đầu năm nay, Việt Nam sẽ có một mạng thông tin 4G tầm cỡ, quy mô lớn trên thế giới. Chương trình viễn thông công ích sẽ được tiếp tục sẽ được phát huy với mục tiêu này. Công ích trước đây chỉ là điện thoại thì nay phải là thông tin băng rộng”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhất thiết tất cả các dịch vụ, nhất là các dịch vụ công trong các cơ quan của Chính phủ đều sẽ phải được ứng dụng CNTT để vừa nâng cao hiệu quả, vừa nâng cao tính minh bạch, chống tham nhũng trong bộ máy hành chính. Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, sẽ phải bắt đầu bằng những việc liên quan đến nhiều người dân nhất như giao thông, y tế, giáo dục và tất cả các dịch vụ có tính chi trả.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, một việc nhất định phải làm là thay đổi có tính cách mạng về đào tạo nhân lực CNTT để sao tăng số lượng những người làm CNTT hiện còn ít ỏi, với khoảng hơn 600.000 người, trong đó trực tiếp làm CNTT chỉ khoảng 300.000 người: “Phải làm sao trong một thời gian ngắn nhất nâng con số này lên gấp đôi, gấp ba; giải quyết được câu chuyện hàng trăm kỹ sư, cử nhân học các ngành nghề khác không tìm được việc làm thì trong lĩnh vực CNTT nhiều doanh nghiệp vẫn không có nhân lực”.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, một việc hết sức quan trọng nữa cần phải làm thời gian tới là phải xây dựng được những cơ chế chính sách thiết thực để các doanh nghiệp làm CNTT có được những sự hỗ trợ cần thiết về thị trường, về tiếp cận các nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và nguồn tài chính, liên quan đến thuế, tín dụng để có bước phát triển trước hết trong thị trường trong nước và sau đó là vươn ra thế giới.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang bàn và tới đây sẽ phối hợp với các hội, hiệp hội, trong đó có VINASA là phải làm sao để bằng CNTT chúng ta phải phổ biến được tri thức khoa học công nghệ ra toàn xã hội.

Khẳng định quan điểm “Một dân tộc chỉ có thể mạnh nếu đó là một dân tộc nắm được tri thức của thời đại”, Phó tướng Vũ Đức Đam cho hay, thời điểm đất nước mới được độc lập, Bác Hồ đã nói phải diệt giặc dốt và coi giặc dốt ngang giặc ngoại xâm, giặc đói; và khi đó Việt Nam đã có phong trào “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ.

“Phải chăng bây giờ cũng là lúc chúng ta phải xóa mù về tri thức công nghệ để sao cho trong một thời gian rất ngắn, tất cả người dân Việt Nam phải được trang bị những kiến thức, tri thức cần thiết góp phần cùng làm cho Việt Nam phát triển nhanh hơn. Tất cả những đều đó đặt ra cho chúng ta, những người làm CNTT thách thức rất lớn nhưng cũng là sứ mệnh.

Cũng như lời ca khúc “Tre nứa vượt đại dương”, chúng ta chưa có tàu lớn, vậy bằng những gì sẵn có, bằng tre nứa nhưng không thể nhất định mãi mãi chỉ bằng tre nứa, đưa đất nước phát triển. Chúng tôi mong rằng VINASA, tất cả cộng đồng CNTT Việt Nam sẽ mạnh dạn, trí tuệ, tâm huyết và lớn mạnh trên tinh thần đó”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Vân Anh

Tin tức mới

Tin tức nổi bật